Viêm da cơ địa ở trẻ em: Phụ huynh nhất định phải biết

Viêm da cơ địa trong dân gian còn được gọi là chàm (chàm thể tạng).  Đây là một bệnh rất phổ biến, thường gặp nhiều nhất ở trẻ em. Khi mắc bệnh trẻ thường bị nổi mẩn đỏ, mụn nước,…gây ngứa ngáy khó chịu hay quấy khóc. Vậy viêm da cơ địa là như thế nào? Căn bệnh này có gây nguy hiểm không?
1. Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da dị ứng. Thường xảy ra ở trẻ em, một số trường hợp xảy ra ở người lớn. Bệnh chia thành hai cấp độ là viêm da cơ địa cấp tính và viêm da cơ địa mãn tính:
  • Viêm da cơ địa cấp tính: Đặc trưng của bệnh là những đốm ban đỏ hình tròn, bong trợt da, trên bề mặt da có mụn nước, phù nề. Ở giai đoạn này trẻ thường rất ngứa;
  • Viêm da cơ địa mãn tính: Là sự xuất hiện những đốm sẩn đỏ rất dày và sần, dẫn đến bong vảy, gây rối loạn sắc tố da, kèm theo hiện tượng chảy nước vàng cực kỳ khó chịu.
Bệnh thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống đặc biệt là trẻ em.

2. Biểu hiện của bệnh ở trẻ?

Vị trí tổn thương khác nhau ở trẻ dưới hai tuổi và trẻ từ hai tuổi trở lên. Đối với trẻ dưới hai tuổi (thường gặp từ 2 – 3 tháng) lúc đầu sẽ xuất hiện ban đỏ, nổi mụn li ti. Một thời gian ngắn chuyển thành các mụn nước sau đó các mụn nước này vỡ ra, chảy nước hoặc xuất tiết rồi khô lại dần đóng thành các vảy khô, vàng nâu trên da. Thường bị ở má, cằm, trán có thể lan ra tay, chân, lưng, bụng…. có tính đối xứng. Còn ở trẻ em từ 2 – 12 tuổi (gặp nhất là lứa tuổi từ 2 – 5 tuổi). Thường bị ở: khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt, thương tổn ở hai bên hoặc đối xứng. Các nốt sần này tập trung thành từng mảng hoặc rải rác.
Triệu chứng điển hình nhất của bệnh là ngứa, làm trẻ quấy khóc, khó chịu. Nếu trẻ gãi quá nhiều sẽ làm nặng thêm tình trạng ngứa da, có thể dẫn đến bị bội nhiễm làm cho bệnh trầm trọng thêm. Thường trẻ sẽ ngứa nhiều về đêm khi trời chuyển lạnh.

3. Vì sao trẻ lại mắc bệnh viêm da cơ địa?

Bệnh thường xảy ra ở trẻ có cơ địa dị ứng gặp phải các tác nhân gây kích thích từ bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Các tác nhân đó thường là bụi phấn hoa, thức ăn, vi khuẩn, virus, nấm,…Ngoài ra còn có thể do di truyền, thần kinh, bất thường ở hệ miễn dịch… hoặc do tiền sử trẻ mắc các bệnh dị ứng như hennổi mày đay, viêm da tiếp xúc,…

4. Điều trị bệnh như thế nào?

Viêm da cơ địa ở trẻ em là một bệnh viêm da dị ứng. Nên điều quan trọng nếu trẻ có cơ địa dị ứng là cần phải tìm ra nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ. Từ đó cách ly trẻ với tác nhân đó, phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân theo đúng giai đoạn bệnh đồng thời kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Thuốc có thể sử dụng cho trẻ bị bệnh như thuốc kháng histamine, vitamin C. Với mục đích để giảm dị ứng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ. Nếu trẻ bị bội nhiễm cần sử dụng thêm kháng sinh.
viêm da cơ địa ở trẻ em
Phụ huynh cần lưu ý chăm sóc da cho trẻ đặc biệt là vùng da bị tổn thương. Không nên làm theo các biện pháp dân gian như tắm lá ổi, bôi thuốc mỡ, thuốc xanh, thuốc đỏ…lên vùng da bị viêm. Để tránh làm bệnh nặng hơn, tránh gây nhiễm trùng da. Cần cho trẻ đến khám chuyên khoa da liễu để xác định tình trạng bệnh. Tránh bệnh nặng xuất hiện biến chứng hoặc chuyển sang bệnh mạn tính. Nên giữ ẩm da cho trẻ vì khi da trẻ bị khô, sẽ gây ngứa ngáy khó chịu trẻ sẽ gãi nhiều hơn.

5. Làm thế nào để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ở trẻ?

  • Để phòng bệnh, phụ huynh cần xác định được trẻ bị dị ứng với tác nhân. Thông thường nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với hóa chất, món ăn lạ,…;
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày. Tránh sử dụng những loại xà phòng không rõ nguồn gốc, không phù hợp với làn da của trẻ. Nên chọn loại dành cho da nhạy cảm, không có mùi;
  • Giặt giũ quần áo của trẻ hàng ngày. Tránh cho trẻ mặc các chất liệu hầm bí, không thấm mồ hôi;
  • Không sử các loại kem bôi, thuốc uống khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là các thuốc có chứa corticoid;
  • Tránh để trẻ ở quá lâu trong môi trường máy lạnh hoặc trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột;
  • Thường xuyên thay tã cho trẻ cách 2 – 3 tiếng một lần;
Nếu tình trạng của trẻ đã thuyên giảm, phụ huynh vẫn tiếp tục cho trẻ thoa thuốc, uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Với những trường hợp bé bị viêm da cơ địa nặng thì cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và có phương pháp điều điều trị thích hợp.
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em là một bệnh dị ứng, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ và kéo dài đến khi trưởng thành. Điều quan trọng nhất khi điều trị là xác định được tác nhân gây dị ứng và cách ly trẻ khỏi tác nhân dị ứng đó. Biết cách phòng tránh và những lưu ý khi điều trị sẽ hạn chế tỷ lệ mắc bệnh cho trẻ.

0 Comments